Nợ xấu - Nỗi ám ảnh của nhiều doanh nghiệp

Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đã bị "sa lầy" vì nợ xấu. Công nợ khó đòi cả trăm ngàn tỷ, doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng bị chiếm dụng vốn, mất vốn, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận Công ty cũng như cổ tức của cổ đông..

Báo cáo tài chính nửa đầu năm 2014 cho thấy, lợi nhuận của hàng loạt doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng, sụt giảm đáng kể do việc kinh doanh khó khăn, các chi phí đều tăng mạnh. Trong đó, doanh nghiệp phải tăng trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ khó đòi từ doanh nghiệp trong nội bộ, đối tác, khách hàng…

 
Nợ xấu - nỗi ám ảnh của doanh nghiệp
Nợ xấu - nỗi ám ảnh của doanh nghiệp

Nợ chạy vòng quanh!

Theo báo cáo tài chính mới đây của Vinaconex, nhiều khoản công nợ được đơn vị kiểm toán lưu ý doanh nghiệp vì không thu thập được bằng chứng về khả năng thu hồi các khoản này, tình hình công nợ khó đòi, nợ tiềm ẩn đang rất đáng lo ngại. 

Tính đến 30/6/2014, Vinaconex vẫn ghi nhận hai khoản nợ quá hạn tại Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex – Viettel (Công ty liên kết), bao gồm 79 tỷ đồng- là số dư tiền gửi tại một Công ty tài chính khác và 150 tỷ đồng nợ trái phiếu  Doanh nghiệp đã đáo hạn 1 năm, chưa trả nợ.

Đại diện Vinaconex – Viettel từng than thở rằng vì tin tưởng ngân hàng có uy tín đứng ra bảo lãnh nên mới mua lô trái phiếu, chứ không ngờ bị đối tác "phủi tay". Chủ nợ này cũng dự tính sẽ khởi kiện SeABank, yêu cầu trả nợ 150 tỷ đồng đã quá hạn 2 năm. Kết quả kinh doanh thua lỗ trong 6 tháng 2014 càng khiến Vinaconex – Viettel phải nhanh chóng thu hồi "nợ xấu", nhất là trong trường hợp muốn sáp nhập vào tổ chức tín dụng khác trong nay mai.

Tương tự, hai Công ty con của Vinaconex là Công ty CP Xây dựng số 15 và Công ty CP Vận tải Vinaconex cũng đang bị "sa lầy" với các khoản phải thu khách hàng, phải thu gốc và lãi ủy thác đầu tư đã quá hạn thanh toán từ lâu. Tổng số nợ lên tới 91 tỷ đồng và hiện cũng chưa rõ có thu hồi được không. Trong khi đó, theo quy định, doanh nghiệp cũng phải thực hiện trích dự phòng rủi ro 100% giá trị khoản nợ khó thu hồi (quá hạn 3 năm), khiến cho việc cân đối tài chính càng thêm khó.

Sudico – Công ty có tiếng mang họ Sông Đà cũng đang chịu áp lực xử lý nợ phải thu lên tới 374 tỷ đồng (tính đến 30/6/2014), gồm phải thu từ khách hàng, trả trước cho người bán, các khoản phải thu khác. Riêng nợ phải thu từ Tổng công ty Sông Đà, các Công ty con là hơn 98 tỷ đồng.

Công ty đã phải tăng trích dự phòng lên tới 114 tỷ đồng cho các khoản nợ khó đòi. Dĩ nhiên, Sudico khó có thể trông chờ vào việc thu hồi công nợ để có nguồn tiền trả nợ vay hơn 4.500 tỷ đồng. Nhất là khi, lợi nhuận kinh doanh nửa năm 2014 chỉ dừng ở con số vỏn vẹn 36 tỷ đồng.

Mua cổ phần kèm nợ!


nợ xấu
Nợ xấu xử lý như nào?
Trên thực tế, khi kinh tế khó khăn, nợ khó đòi giữa các DN – đối tác, khách hàng, giữa các DN trong nội bộ, có quan hệ giao dịch… càng trở nên trầm trọng hơn. Chuyện các DN vay mượn, trả nợ lẫn nhau là thực tế phổ biến. Chưa có một kết quả thống kê chính xác về tình hình nợ khó đòi chạy "vòng quanh" của DN, nhưng nhiều DN đã và đang phải "ngậm đắng, nuốt cay" vì bị chiếm dụng vốn lên tới cả trăm tỷ đồng.

Điểm đáng quan ngại là, các khoản nợ khó đòi vẫn tích tụ trên sổ sách từ lâu mà chưa có cách nào "dọn dẹp" đi được. Với DN, họ không có công cụ pháp lý mạnh như ngân hàng để xử lý nợ xấu, bắt giữ tài sản đảm bảo để buộc con nợ phải trả lại số vốn đã chiếm dụng. Thực tế, các khoản phải thu thường không hề có tài sản đảm bảo cho nghĩa vụ thanh toán. Ngay cả khi DN kiện đối tác chây ỳ trả nợ ra tòa, thì khả năng thi hành án, thu hồi được vốn hết sức vất vả.

Với những DN nhà nước, vướng mắc trong xử lý công nợ khó đòi đang làm giảm sức hấp dẫn của cổ phiếu khi cổ phần hóa, chào bán cổ phần ra công chúng. Đơn cử như trường hợp của SASCO – Công ty Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất sắp bán đấu giá cổ phần (ngày 18/9 tới). Hiện, SASCO có khoản nợ khó đòi gần 300 tỷ đồng từ lâu, chưa rõ phương án xử lý sau cổ phần hóa. Năm 2013, Công ty đã phải trích dự phòng khoản phải thu hơn 295 tỷ đồng liên quan đến các khoản chi hộ cho Công ty con, góp vốn đầu tư…


Khoản nợ không có khả năng thu hồi này đã được tính vào giá trị DNNN để cổ phần hóa, có nghĩa, phần vốn nhà nước có thêm phần giá trị "tương lai". Dĩ nhiên, không nhà đầu tư nào muốn mua cổ phần để gánh thêm cả nợ khó đòi.

Theo cách nói vui của một số cổ đông doanh nghiệp: "cứ coi như bị quỵt nợ còn đỡ ấm ức hơn đi xử lý nợ khó đòi".

Tuy nhiên, VAMC không phải “cây đũa thần” có thể xử lý hết các khoản nợ xấu

Không kể ngân hàng lớn hay nhỏ, những khoản nợ xấu đều tăng dần theo thời gian và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) không phải là "cây đũa thần" khi xử lý các khoản nợ này…

Những con số mới được công bố về hai ngân hàng thuộc vào nhóm "đại gia" đang "cõng" món nợ xấu lớn đã khiến không ít người lo ngại. Nợ xấu được coi như "cục máu đông" của nền kinh tế đang gây ảnh hưởng xấu tới hầu hết các ngành nghề. Theo thông tin của VietinBank, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này mới chỉ đạt 0,4%, sau khi tăng trưởng âm, hoạt động đầu tư chứng khoán cũng lỗ thuần hơn 130 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 120 tỷ đồng. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank tăng từ 1,8% lên 2,53%, do đó chi phí trích lập dự phòng của ngân hàng này tăng 35%.

Nợ xấu không ngừng tăng cao, trong khi VAMC mới chỉ xử lý được khoảng 55.000 tỷ đồng khiến nhiều người băn khoăn về hiệu quả hoạt động của VAMC. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC khẳng định, việc mua nợ xấu của công ty vẫn theo đúng lộ trình. 
VAMC không đặt mục tiêu mua nợ xấu xong sẽ bán ngay mà còn tham gia phân tích, đánh giá để hỗ trợ DN. Đơn vị nào có khả năng sản xuất, kinh doanh để trả nợ sẽ được xem xét điều chỉnh lãi suất hợp lý hoặc tiếp tục cho vay vốn để tìm nguồn tiền trả nợ. 
Với DN không có khả năng hồi phục, công ty sẽ xử lý. Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, số tiền nợ xấu mà VAMC mua được vẫn quá ít so với tổng số nợ xấu của hệ thống ngân hàng, nhưng VAMC không phải là "cây đũa thần", hơn nữa do ngân sách cấp vốn cho VAMC có hạn, nên việc xử lý nợ xấu qua VAMC cũng chỉ là một trong nhiều giải pháp. Cách thức xử lý nợ xấu như VAMC là phù hợp, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay, giảm lãi suất cho vay, qua đó góp phần đáng kể hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh.
(Tổng hợp bizlive.vn)

Share this article :

+ comments + 4 comments

Post a Comment

 


Website được quản lý bởi Học viện Doanh nhân INCIP
Số 24, ngõ 463 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội