Những nhọc nhằn công việc thu hồi nợ

Trong khi Chính phủ vẫn đang tìm kiếm giải pháp xử lý khối nợ xấu tại các ngân hàng thì các "khổ chủ" cũng đang tìm đủ mọi cách để thu hồi công nợ.


Bà Nguyễn Thanh, chủ một công ty thương mại tại quận Gò Vấp TP.HCM đang mừng như bắt được vàng vì vừa đòi được một khoản nợ 6 tỷ đồng bị dây dưa đã hai năm nay. Bà nói: "Lần đầu tiên công ty của chúng tôi phải có riêng một bộ phận thu hồi công nợ thay vì chỉ có một nhân viên ở phòng kế toán như trước đây. Để đòi được khoản nợ này, chúng tôi phải đầu tư nhiều thời gian và công sức đề ra chiến lược, sách lược, lập kế hoạch và kiên nhẫn thực thi để đòi nợ". Rồi bà thở dài: "Thời buổi làm ăn khó khăn mà lo đòi nợ đã hết cả ngày".
Từ tự thân vận động …
Theo bà Thanh, bà mới chỉ là loại chủ nợ nho nhỏ. Ở tòa án, loại kiện cáo đòi nợ bây giờ đầy rẫy, chờ được thụ lý vụ án cũng… hết hơi. Thậm chí có những khoản nợ lên tới vài chục, có khi cả trăm, cả ngàn tỷ đồng. Nợ càng lớn càng khó đòi.
Ông Đỗ Quang Hiển (thường được gọi là bầu Hiển), Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB nhận định trong kỳ họp Đại hội cổ đông của ngân hàng đầu tháng 4/2013: "Nợ xấu là vấn đề rất khó xử lý. Thậm chí nợ quá hạn hiện đã khó xử lý chứ chưa cần đến nợ xấu". Ông Hiển cũng mô tả cảnh "trần ai" khi đi đòi nợ. Nhiều khi ra tòa xử rồi, đang thi hành án rồi, nhưng chỉ cần có bất kỳ một khiếu nại nào đó lại bị hoãn. Có những vụ thi hành án 3 năm rồi mà vẫn chưa thu hồi xong khoản nợ. Do đó, để xử lý nợ xấu, SHB đã phải áp dụng nhiều loại "võ". Không riêng gì SHB, tại nhiều ngân hàng, bộ phận đòi nợ đang được tập trung nhân sự để cứu vãn tình thế. Ngoài việc thu nhận nhân viên từ bộ phận tín dụng từng góp phần ít nhiều vào các khoản nợ xấu, các ngân hàng còn tuyển thêm nhân sự có kinh nghiệm đòi nợ, tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng đòi nợ với hy vọng giảm mức nợ xấu xuống càng nhanh càng tốt.

Tuy nhiên, để đỡ tốn chi phí nội bộ, đồng thời tự thấy khả năng tự đòi nợ của mình không cao, nhiều doanh nghiệp đã chọn giải pháp thuê ngoài.

... đến dịch vụ đòi nợ chuyên nghiệp
"Tiền của bạn phải về túi bạn", "Nơi tài chính hồi sinh" hay "Đừng để phá sản vì nợ" đang là những slogan phổ biến của các công ty dịch vụ thu hồi nợ ở Việt Nam. Các công ty này đang mọc ra khá nhanh tại Hà Nội, TP.HCM và bành trướng các chi nhánh nhằm đáp ứng nhu cầu thu hồi công nợ. Đó là chưa kể hệ thống website, đường dây nóng sẵn sàng hoạt động cả ngày lẫn đêm. Họ cũng tuyển dụng nhân viên là những người có bằng luật hay kinh tế, am hiểu luật pháp, có gan làm nghề đòi nợ để phục vụ khách hàng… Đó là chưa kể từng công ty cũng bắt tay với các văn phòng tư vấn luật pháp, các công ty luật để cùng xử lý các vụ đòi nợ.
Các chiêu thức đòi nợ cũng được quảng bá khá đa dạng. Các cách thức thông thường bao gồm: gửi thư tín, công văn, tổ chức họp đòi nợ, yêu cầu làm cam kết trả nợ, cấn trừ nợ, trả nợ dần… cho đến kiện tụng hay nhờ cơ quan chức năng can thiệp trong phạm vi cho phép. Các cách thức "độc chiêu" như: cho người đến địa chỉ của con nợ làm rầy rà, trương băng rôn, biểu ngữ, viết thư gửi cho khách hàng của con nợ, đưa thông tin đòi nợ lên website, bám riết con nợ cũng như liên lạc với người thân của họ để làm cho con nợ mệt mỏi và tìm cách trả nợ cho xong chuyện…
Tuy nhiên, để thuê dịch vụ đòi nợ chuyên nghiệp, các chủ nợ phải tốn khá nhiều chi phí và chấp nhận mất thời gian, công sức. Phí đòi nợ hiện ở thế "ngất ngưởng", cao nhất có thể lên đến 50% tổng số nợ thu về. Đó là chưa kể công tác phí và phí điều tra từng khoản nợ sẽ ở mức từ một vài triệu đồng cho đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, tùy vào trường hợp cụ thể. Một số công ty, khi bắt tay vào ký hợp đồng đòi nợ thuê lđã lập tức yêu cầu chủ nợ phải thanh toán khoản phí tương đương 50% tổng trị giá hợp đồng. Số tiền này sẽ không được hoàn lại trong trường hợp không đòi được nợ… Điều này có nghĩa là một khi đã chấp nhận thuê dịch vụ đòi nợ thì chủ nợ có thể mất thêm nhiều tiền và thêm cả phiền toái, bực mình nếu rủi ro xảy ra khi con nợ và nợ "một đi không trở lại".
Ông Trần Tuấn Dũng, một nhà kinh doanh tại quận 10, TP.HCM cho biết: "Tôi đã phải mất rất nhiều công sức để tìm ra một công ty làm dịch vụ đòi nợ hiệu quả: dịch vụ tốt, mức phí phù hợp, khả năng hiểu biết luật pháp chắc chắn và hoạt động tư vấn cũng như thực thi thu hồi nợ hiệu quả. Nhưng qua quá trình này tôi thấy, cũng không nên cố đấm ăn xôi. Bởi nếu thu hồi nợ mà tốn nhiều chi phí quá thì thà bấm bụng cho qua, dành thời gian và công sức làm ra khoản tiền mới có ích hơn".
Theo Công ty Thiên Triệu và cộng sự tại TP.HCM, quy trình đòi nợ giúp của công ty này bao gồm ba bước. Ban đầu, chủ nợ cần cung cấp các giấy tờ liên quan đến khoản nợ. Kế đó, công ty sẽ điều tra, xác minh tính hợp pháp của hồ sơ vụ việc và các tài liệu liên quan, khả năng tài chính của con nợ, hoạt động kinh doanh cũng như các mối quan hệ của con nợ. Bước này sẽ diễn ra trong vòng từ 7-10 ngày. Khi có kết quả, công ty này sẽ trao đổi lại với khách hàng để có thể bàn bạc ký hợp đồng thu hồi công nợ hoặc tư vấn cho khách hàng về những vấn đề liên quan đến khoản nợ.
Quy trình này cũng được khá nhiều công ty áp dụng để thu hồi công nợ giúp các chủ nợ. Tuy nhiên, DFC - một công ty có khá nhiều kinh nghiệm về thu hồi công nợ trên thị trường, có trụ sở tại Hà Nội - thì cho rằng, các chủ nợ cần quan tâm nhiều hơn đến kỹ thuật thu hồi công nợ để cả hai bên có thể cùng vượt qua khủng hoảng nợ nần và sau đó vẫn giữ được mối quan hệ làm ăn. Trong số những số vụ việc mà công ty này đã giải quyết hàng năm thì 65% có thể xử lý bằng thương lượng và hòa giải, 30% hồ sơ phải thông qua tố tụng tại tòa án có thẩm quyền và 5% còn lại nhờ đến sự can thiệp của các cơ quan chức năng như công an, thi hành án, truyền thông. Thống kê này cho thấy, rõ ràng thương lượng và hòa giải là phương án đầu tiên khá hiệu quả, nên được sử dụng trước khi dùng đến các biện pháp mạnh.
Nguồn: dddn.com.vn

Share this article :

Post a Comment

 


Website được quản lý bởi Học viện Doanh nhân INCIP
Số 24, ngõ 463 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội