Độc chiêu thu hồi nợ ở Tây Ban Nha

Kinh tế đi xuống trong khi quy định về thanh toán nợ của Tây Ban Nha lỏng lẻo hơn so với nhiều nước châu Âu khác, nên dịch vụ thu nợ thuê đang nở rộ. Người đòi nợ thuê tìm mọi cách khiến con nợ xấu hổ quá mà phải trả tiền.

Bạn xấu hổ khi một người đàn ông mặc áo tuxedo và mũ đen tò tò theo bạn cùng đối tác vào nhà hàng rồi yên lặng dùng bữa trưa bên cạnh? Nhiệm vụ của nhân viên thu nợ thuê hoàn thành! Bạn mất thể diện khi ba người đàn ông mập mạp trong trang phục của siêu nhân nài nỉ những người hàng xóm của bạn đóng góp chút đỉnh để giúp bạn vượt qua khó khăn về tài chính? Công việc của ông chủ Juan Carlos Granda gần như hoàn tất!

Đánh vào thể diện

“Người Tây Ban Nha là những bậc đại trượng phu. Họ không thích người khác chăm chăm nhìn vào thất bại của mình vì như vậy làm mất nam tính”, Juan Carlos Granda, quản lý của công ty thu nợ thuê El Cobrador del Frac, nhận xét. Trong văn phòng công ty, đầu gấu và đầu sơn dương treo trên tường, ngà voi trang trí khung cửa, còn các nữ nhân viên mặc váy ngắn, để tóc dài, đeo khuyên tai tròn liên tục chào đón khách hàng.

Khiến người ta hổ thẹn với cộng đồng không phải là điều gì mới mẻ. Juan Diez Nicolas, giáo sư xã hội học tại Trường Đại học Madrid, cho biết, ngay từ thời Trung cổ, biện pháp này đã phổ biến khắp châu Âu. “Không ai muốn bị chỉ rõ mình là kẻ đã làm điều gì đó chống lại cộng đồng”, ông nói.

Quy định của Tây Ban Nha về thanh toán công nợ tương đối lỏng lẻo. Thời gian trả nợ là 95 ngày, trong khi mức trung bình của châu Âu là 30 ngày. Tòa án Tây Ban Nha không ưu tiên vấn đề nợ nần. Có thể mất ba năm để theo kiện một con nợ. Vì thế, dịch vụ đòi nợ thuê luôn đắt khách.

“Chính phủ và hệ thống tư pháp dường như chẳng làm gì… Người ta nghĩ rằng họ có thể xù nợ dễ dàng. Chúng tôi giúp khách hàng đòi công lý. Chúng tôi tự coi mình là một dạng Robin Hoods, giúp khách hàng lương thiện lấy lại đồng tiền chính đáng. Tôi không thương những con nợ chầy bửa. Tôi thấy thương khách hàng của mình, những người phải ngừng hoạt động kinh doanh và cả nhà có thể phải chịu cảnh đói ăn vì kẻ xấu không chịu trả tiền”, ông Granda nói.

El Cobrador del Frac có hơn 250 nhân viên thu nợ và chừng đó thư ký cùng điều tra viên. “Nếu cảm thấy con nợ thực sự không còn đồng nào, chúng tôi không nhận trường hợp đó. Mục tiêu của chúng tôi là đi đến một thỏa thuận nào đó và thu tiền về”, Theresa Seves, một chuyên gia của công ty, nói.

Những ngày này, El Cobrador del Frac không thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng ngày càng tăng. Bà Seves cho biết, nợ nần trong lĩnh vực xây dựng chiếm phần lớn vì ngành này đang đi xuống. Chủ nhà nợ nhà thầu, nhà thầu nợ công ty xây dựng, công ty xây dựng nợ nhà sản xuất thiết bị…

Tỷ lệ thu hồi nợ thành công của El Cobrador del Frac là 70%. Phóng viên không được phép tham gia vào quá trình đòi nợ của nhân viên công ty để “tôn trọng quyền riêng tư của người khác” như lời ông Granda giải thích. Tuy nhiên, một người thu nợ thuê tên là Pablo đã kể lại một câu chuyện ấn tượng.

Năm ngoái, El Cobrador del Frac nhận hợp đồng đòi 83.000 USD từ một cặp vợ chồng mới cưới. “Công ty tổ chức đám cưới liên lạc với chúng tôi và chúng tôi có danh sách những người được mời tham dự đám cưới. Chúng tôi bắt đầu gọi điện thoại cho từng vị khách, hỏi xem họ có ăn tôm hùm hoặc thịt gà không và hỏi họ địa chỉ để gửi hóa đơn”, Pablo kể. Cuối cùng, vì quá xấu hổ, cô dâu và chú rể quyết định trả nợ.

Bị phản đối

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với cách thức đòi nợ kiểu đó. Tổ chức Người tiêu dùng của Tây Ban Nha cho rằng, cách đòi nợ của một số công ty thu nợ thuê hiện nay gần như là bất hợp pháp, và thúc giục chính phủ xem xét việc tăng cường quản lý loại hình dịch vụ đặc biệt này như hầu hết các nước châu Âu đã làm. Theo Cơ quan Thương mại Công bằng của Anh, khiến con nợ xấu hổ với cộng đồng là một biện pháp không công bằng và trái luật. Nhiều bang ở Mỹ cũng có quy định tương tự: không cho phép quấy rầy hoặc lạm dụng người mắc nợ.

Tuy nhiên, khi tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng, chiến thuật làm con nợ bẽ mặt trở nên kém hiệu quả, GS Nicolas nói. “Rõ ràng rằng, trong thời kỳ thịnh vượng, việc khiến con nợ xấu hổ đem lại hiệu quả cao hơn thời điểm khủng hoảng. Hiện nay, có quá nhiều người mắc nợ và họ thực sự không thể trả tiền. Dù có làm họ xấu hổ đến đâu đi chăng nữa, đòi nợ kiểu này vẫn không ăn thua gì”, ông nhận xét. 

Suy thoái kinh tế toàn cầu khiến Tây Ban Nha thiệt hại nặng nề. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này hiện ở mức 19,3%, một trong những tỷ lệ cao nhất ở châu Âu. Lượng người thất nghiệp của Tây Ban Nha bằng tổng số người không có việc làm của Pháp và Italy.

Theo baodatviet.vn

Xem thêm  bài viết  về : Các phương pháp thu hồi nợ
Share this article :

Post a Comment

 


Website được quản lý bởi Học viện Doanh nhân INCIP
Số 24, ngõ 463 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội