Xử lý nợ xấu đang ở giai đoạn khó khăn nhất

Xử lý nợ xấu đang ở giai đoạn khó khăn nhất đây là nhận định của Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên tại Tọa đàm "Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu".
Xử lý nợ xấu
Xử lý nợ xấu thế nào cho tốt?
Xử lý nợ xấu đang ở giai đoạn khó khăn nhất
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, để đạt mục tiêu cuối cùng theo quyết định của Thủ tướng và nghị quyết của Trung ương cũng như của Quốc hội, chặng đường tiếp theo đòi hỏi phải sửa hành lang pháp lý.

Qua số liệu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), đơn vị này đã gom một số nợ tương đối lớn nhưng vấn đề xử lý đang vướng mắc cả về trình tự bán tài sản, trình tự đánh giá trách nhiệm các bên.

Ông Kiên cho biết, sẽ có một vài tổ chức và cá nhân vì một số lợi ích, nếu bán đi mà bán rẻ thì bị thiệt nên cố gắng níu lại, kìm hãm lại việc bán, làm cho dòng tiền đi không như mong muốn.

"Đến tháng 10, Quốc hội sẽ báo cáo về giám sát tối cao đối với lĩnh vực đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu tổ chức tín dụng. Chúng tôi sẽ cùng Chính phủ và các bên liên quan sẽ có đánh giá lại và tiếp tục khẩn trương trong năm 2015 đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu", ông cho biết thêm.

Kết quả xử lý nợ xấu được công bố cho thấy, năm 2012, nợ xấu được xử lý là 69.000 tỷ đồng, năm 2013 xử lý gần 98.000 tỷ đồng nợ xấu.

Tính đến 20/8/2014, VAMC đã mua được 56.000 tỷ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng, bán được 1.400 tỷ đồng nợ xấu.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ đến cuối tháng 7/2014 là 4,17% và khoảng 8,2% (nếu bao gồm cả nợ xấu cơ cấu lại).

Nợ xấu tăng, Thống đốc nói gì?

Ngày 29/9/14, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong chương trình phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề nợ xấu gia tăng và cách xử lý.

162,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu

Trong nhóm vấn đề dành cho Thống đốc có tình hình xử lý nợ xấu, một nội dung từng rất nóng tại phiên chất vấn hai năm về trước, cũng do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.

Thống đốc cho biết, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 7/2014, tổng nợ xấu nội bảng là 162,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ (cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu là 3,61%).

Nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2014 được người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước lý giải là do tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn. Mặt khác, các tổ chức tín dụng áp dụng chuẩn mực mới về phân loại nợ chặt chẽ hơn để phản ánh chính xác hơn chất lượng tín dụng và thực trạng nợ xấu.

Tuy nhiên, sau khi tăng mạnh 21,5% riêng trong tháng 6/2014, số dư nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã tăng chậm trong tháng 7/2014, đồng thời tỷ lệ nợ xấu cũng bắt đầu giảm.
Tính từ đầu năm, tháng 7/2014 có tốc độ tăng nợ xấu thấp nhất (tăng 0,79% so với tháng trước) cho thấy chất lượng tín dụng đang có chiều hướng cải thiện, Thống đốc nhìn nhận.

Theo Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính và hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho khách hàng vay, song cũng quy định chặt chẽ hơn để tránh các tổ chức tín dụng lợi dụng việc cơ cấu nợ để che giấu nợ xấu.

Báo cáo cũng nêu khá nhiều con số cụ thể liên quan đến 40,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu mà các tổ chức tín dụng đã xử lý được trong 7 tháng đầu năm. Cụ thể khách hàng trả nợ 14,3 nghìn tỷ đồng; bán, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ được 1,56 nghìn tỷ đồng; bán cho các tổ chức, cá nhân 14,49 nghìn tỷ đồng và xử lý bằng dự phòng rủi ro 8,3 nghìn tỷ đồng...
VAMC đã mua 3.281 khoản nợ
Liên quan đến hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Thống đốc cho hay, đến cuối tháng 8/2014, công ty này đã mua được 3.281 khoản nợ, với tổng dư nợ gốc hơn 56 ngàn tỷ đồng nợ xấu, giá mua hơn 46 ngàn tỷ đồng.

Cũng tính đến thời điểm nói trên, VAMC đã thu hồi được 1.462 tỷ đồng nợ xấu thuộc 31 tổ chức tín dụng, điều chỉnh lãi suất cho 4 khách hàng với tổng dư nợ được điều chỉnh là 226 tỷ đồng.

Công ty đã miễn, giảm lãi/phí cho 16 khách hàng với tổng số tiền 60,91 tỷ đồng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 11 khách hàng với dư nợ gốc được cơ cấu là 446 tỷ đồng.

VAMC còn phối hợp với tổ chức tín dụng cấp bổ sung hạn mức 950 tỷ đồng (đã giải ngân được 425 tỷ đồng) để hoàn thiện 2 dự án dở dang của 2 khách hàng, thực hiện bán nợ của 7 khách hàng với tổng dư nợ gốc của các khoản nợ là 623 tỷ đồng, giá bán nợ là 484 tỷ đồng; bán 11 tài sản bảo đảm của khách hàng, thu hồi được 212 tỷ đồng nợ gốc.

Nhấn mạnh VAMC là định chế mới được thành lập và đi vào hoạt động với nhiều khó khăn, Thống đốc đánh giá kết quả đạt được ban đầu của công ty là rất đáng khích lệ, hỗ trợ cho đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong thời gian tới.

Nhìn rộng hơn cả việc cơ cấu lại ngân hàng và xử lý nợ xấu, báo cáo nhìn nhận kết quả chủ yếu là do những nỗ lực và sự chủ động của ngành ngân hàng.

Sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và cơ quan chức năng với Ngân hàng Nhà nước trong cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu, theo Thống đốc là chưa thực sự chặt chẽ và có hiệu quả.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia cơ cấu lại ngân hàng và xử lý nợ xấu còn chưa đủ hấp dẫn.

Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng lo ngại về sự an toàn, vững mạnh của hệ thống tổ chức tín dụng, khi việc thực hiện các giải pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu thời gian qua chủ yếu là những giải pháp nội bộ của hệ thống các tổ chức tín dụng, đã và đang làm cho năng lực tài chính của hệ thống này giảm đi
(Tổng hợp bizlive.vn)
Share this article :

Post a Comment

 


Website được quản lý bởi Học viện Doanh nhân INCIP
Số 24, ngõ 463 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội